Hiện nay, số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng vẫn còn ở mức cao trong khi các tỉnh thành phố đã dần mở cửa cho các hoạt động kinh tế hoạt động trở lại nên bạn có thể bị lây nhiễm COVID-19 bất cứ lúc nào.

Chính vì thế mà bạn cần biết rằng hiện tại mình có đang mắc Covid-19 hay không để nhanh chống cách ly y tế và điều trị thật sớm để tránh tình trạng bệnh chuyển biến nặng. Vậy làm sao biết mình có đang mắc Covid-19 hay không?

Sau đây là 1 số biểu hiện lâm sàng của bệnh COVID-19 giúp bạn có thể biết được rặng mình có đang mắc COVID-19 hay không.


Hướng dẫn chẩn đoán lâm sàng Covid-19

Ngày 6/10/2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 4689/QĐ-BYT về Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19.

Theo hướng dẫn, phổ bệnh của COVID-19 đa dạng từ người nhiễm không có triệu chứng, có các triệu chứng nhẹ cho tới những biểu hiện bệnh lý nặng như viêm phổi nặng, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) nhiễm khuẩn huyết suy chức năng đa cơ quan và tử vong. Người cao tuổi, người có bệnh mạn tính hay suy giảm miễn dịch, hoặc có đồng nhiễm hay bội nhiễm các căn nguyên khác như vi khuẩn, nấm sẽ có nguy cơ diễn biến nặng nhiều hơn. 

Các biện pháp phòng bệnh chính là tiêm phòng vắc-xin, phát hiện sớm để cách ly ca bệnh và đảm bảo trang bị phòng hộ cá nhân cho người có nguy cơ phơi nhiễm.

Triệu chứng lâm sàng


Giai đoạn khởi phát

Thời gian ủ bệnh: từ 2-14 ngày, trung bình từ 5-7 ngày, thể delta có thời gian ủ bệnh ngắn hơn.

Khởi phát:

  • Chủng alpha: Sốt, ho khan, mệt mỏi, đau họng, đau đầu. Một số trường hợp bị nghẹt mũi, chảy nước mũi, mất vị giác và khứu giác, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng,...
  • Chủng mới (delta): Đau đầu, đau họng, chảy nước mũi, ho, sốt, tiêu chảy, khó thở, đau cơ.

Giai đoạn toàn phát: Sau 4-5 ngày

Hô hấp

Ho nhiều hơn, đau ngực, cảm giác ngạt thở, sợ hãi, tuỳ mức độ bệnh nhân, thở sâu, phổi thường không ral, mạch thường không nhanh. Khoảng 5-10% bệnh nhân có thể giảm oxy máu thầm lặng. Thể nặng của bệnh có biểu hiện giống ARDS.

Tuần hoàn

  • Các triệu chứng thường không đặc hiệu: đau ngực, mệt mỏi, khó thở, ho.
  • Sốc tim: huyết áp tụt, mạch nhanh, rối loạn nhịp, da, đầu chi lạnh, gan to, tĩnh mạch cổ nổi.
  • Rối loạn nhịp chậm hoặc nhanh, suy tim cấp và sốc tim do suy tim trái hoặc suy tim phải cấp, thuyên tắc động mạch phổi, tràn dịch màng ngoài tim, nhồi máu cơ tim cấp, sốc nhiễm khuẩn thứ phát do COVID-19, tâm phế cấp.

Thận

Bệnh nhân có thể thiểu niệu hoặc đái nhiều, nước tiểu có protein, đái máu vi thể hoặc đại thể, các biểu hiện của hội chứng ure máu cao ít gặp, những thường nặng trên người bệnh đã có suy thận từ trước.

Thần kinh

Xuất hiện đột ngột rối loạn ý thức theo các mức độ: nhẹ thì còn tỉnh, nặng nhất là hôn mê; hội chứng liệt nửa người: liệt vận động có hoặc không tê bì, dị cảm; thất ngôn; mất thị lực, bánh manh, góc manh; liệt dây thần kinh sọ; rồi loạn cơ tròn; giảm hoặc mất khứu giác; viêm não màng não, thoái hoá não, viêm đa rễ và dây thần kinh.

Dạ dày - ruột

Vi-rút xâm nhập vào tế bào dẫn tới viêm tế bào biểu mô làm giảm hấp thu, mất cân bằng bài tiết ở ruột và hoạt hoá hệ thống thần kinh của ruột, dẫn tới tiêu chảy, thường xuất hiện vào ngày thứ 4 của khởi phát bệnh.

Gan mật

Có thể có vàng da, suy gan, tăng men gan, suy gan cấp, hôn mê gan.

Nội tiết

Tăng cường máu ở bệnh nhân có đái tháo đường từ trước, hoặc tăng đường máu liên quan sử dụng corticoid có thể biến chứng: đái tháo đường mất bù, toan ceton, tăng áp lực thấm thấu máu,...

Huyết học

  • Huyết học: Tăng đông, rối loạn đông máu do nhiễm trùng và đông máu nội mạch, hội chứng thực bào máu/hội chứng hoạt hoá đại thực bào, bệnh vi mạch huyết khối với ban giảm tiểu cầu huyết khối và hội chứng tăng ure huyết tán huyết, giảm tiểu cầu do heparin do điều trị thuốc chống đông.
  • Mạch máu: có thể gặp huyết khối gây tắc động mạch hoặc tĩnh mạch chi 2 bên.

Da 

Ngứa, đau/bỏng rát da với hình thái gồm ban dạng mề đay, ban dạng hồng ban, phát ban dạng mụn nước mụn mủ, phát ban giống dạng cước ở đầu ngón tay chân, ít gặp hơn phát ban dạng lưới (chỉ điểm bệnh diễn tiến nặng), ban đỏ đa hình thái ở tay chân niêm mạc, kết mạc miệng, viêm kết mạc ở trẻ em.

Giai đoạn hồi phục


  • Đối với các trường hợp nhẹ và trung bình, sau 7-10 ngày, bệnh nhân hết sốt, toàn trạng khá lên, tổn thương phổi tự hồi phục, có thể gặp mệt mỏi kéo dài.
  • Những trường hợp nặng: Biểu hiện lâm sàng kéo dài, hồi phục từ 2-3 tuần, mệt mỏi kéo dài đến hàng tháng.
  • Những trường hợp nguy kich có thể phải nằm hồi sức kéo dài nhiều tháng, có thể tiến triển xơ phổi, ảnh hưởng tâm lý, yếu cơ kéo dài.
  • Một số trường hợp sau nhiễm SARS-CoV-2 gặp các rối loạn kéo dài: bệnh lý tự miễn, hội chứng thực bào,...

Trường hợp bệnh nghi ngờ


  • Người bệnh có sốt và/hoặc viêm đường hô hấp cấp tính không lý giải được bằng các nguyên nhân khác.
  • Người bệnh có bất kỳ triệu chứng hô hấp nào và có tiền sử đến/qua/ở/về từ vùng dịch tễ có bệnh COVID-19 trong khoảng 14 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng hoặc tiếp xúc gần (*) với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định COVID-19 trong khoảng 14 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng.

(*) Tiếp xúc gần

  • Tiếp xúc tại các cơ sở y tế, bao gồm: trực tiếp chăm sóc người bệnh COVID-19; làm việc cùng với nhân viên y tế mắc COVID-19; tới thăm người bệnh hoặc ở cùng phòng bệnh có người bệnh mắc COVID-19. 
  • Tiếp xúc trực tiếp trong khoảng cách <= 2 mét với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định mắc COVID-19 trong thời kỳ mắc bệnh.
  • Sống cùng nhà với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định mắc COVID-19 trong thời kỳ mắc bệnh.
  • Cùng nhóm: du lịch, công tác, vui chơi, buổi liên hoan, cuộc họp,... với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong thời kỳ mắc bệnh.
  • Di chuyển trên cùng phương tiện (ngồi cùng hàng, trước hoặc sau 2 hàng ghế) với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định mắc COVID-19 trong thời kỳ mắc bệnh.

Trường hợp bệnh xác định

  • Là trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc bất cứ người nào xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Real-time RT-PCR.

Do đó, chính xác nhất vẫn là xét nghiệm các bạn nhé. Nếu các bạn cảm thấy mình có khả năng mắc bệnh với bất kỳ triệu chứng lâm sàng nào ở trên và cảm thấy mình có khả năng đang bị nhiễm bệnh COVID-19 thì hãy đi xét nghiệm ngay ở các cơ sở y tế gần nhất. Chỉ tốn không quá nhiều tiền đâu nhưng là có kết quả chính xác và giúp mình an tâm hơn. Nếu là xác định được mình dương tính với COVID-19 thì cũng có thể các ly điều trị sớm hơn, giúp khả năng khỏi bệnh cao hơn để sớm khoẻ mạnh trở về với gia đình các bạn nhé.

Đừng để khi bệnh đã chuyển biến nặng mới đi xét nghiệm và phát hiện ra thì đã không kịp để cứu chữa.

Chúc bạn nhiều sức khoẻ!

Thông tin từ HCDC - TT Kiểm soát bệnh tật TP. HCM