Bạn có tin không, món ăn truyền thống trong ngày Lễ Songkran đầu năm lại thanh nhã hơn nhiều so với hương vị chua cay đậm đà bạn thường nghĩ về ẩm thực Thái Lan! Khao Chae - món cơm ngâm hoàng cung là thức quà xua tan đi cái nóng thiêu đốt của tháng 4 và mang đến làn gió ngọt lành cho ngày đầu năm mới. 


Khao Chae: Món ăn truyền thống trong ngày lễ Songkran

Khao Chae (ข้าวแช่) thực chất là món ăn của người Môn du nhập vào Siam và được Vua Rama V cực kỳ yêu thích, trở thành món tiến vua. Sau này, Khao Chae được chính hoàng thân Nuang Nilarat thuộc Ngự thiện phòng phổ biến rộng rãi ra dân gian. Tên của món ăn được đặt trực tiếp theo phương thức nấu: “Khao” có nghĩa là gạo, “Chae” có nghĩa là ngâm trong nước, “Khao Chae” là một bát gạo ngâm. Nghe đơn giản nhưng thực chất, món ăn này mất rất nhiều công chuẩn bị và quy cách thưởng thức nghiêm ngặt. 


Nước ướp hương hoa là nguyên liệu quan trọng và được chế biến tỉ mỉ nhất để tạo ra món này. Phần nước ngâm là nước khoáng ngâm trong lu rồng, thả hoa nhài hoặc hoa hồng tươi, thả trên mặt nước một ngọn nến thơm hương hoa nhỏ đang cháy. Bằng cách lặp lại quy trình này nhiều lần, hương thơm từ nến và tinh dầu tự nhiên từ hoa hồng hoặc hoa nhài sẽ thẩm thấu vào nước. Rắc nhẹ gạo đã chế biến vào nồi nước hương hoa, rồi cho vào hấp cách thủy.

Một bát gạo ngâm ướp hương hoa thanh mát sẽ được dọn ăn kèm cùng các món phụ bao gồm cả mặn và ngọt đặc trưng: tôm viên chiên với gia vị đặc biệt, ớt ngọt nhồi thịt, thịt heo/bò sợi, củ cái muối xào đường thốt nốt... 

Tối kỵ nhất khi ăn Khao Chae là để lẫn các món ăn kèm vào món chính hoặc dùng chung muỗng để múc các món. Cách ăn đúng là: 1 miếng đồ ăn, 1 miếng cơm và uống phần nước ngâm mát lạnh. 

Khao Chae là món ăn không phải ai cũng biết đến, nhưng đến Thái Lan dịp tết Songkran mà chưa ăn thì coi như chưa đến. Đã ai được thưởng thức món “gạo ngâm” đặc biệt này chưa nhỉ? Thử chia sẻ cảm nhận cho nhau biết với nào! 

Cách làm món Khao Chae

Để trở thành món ăn giải nhiệt ngon mắt mà người Thái quen thuộc, thì thành phần chính và quan trọng nhất phải làm vô cùng tỉ mỉ và công phu chính là “Món ăn kèm”, tiếp sau đó là “Nước ngâm”.

Trước khi nói đến “Nước ngâm”, thì phải nhắc đến “Gạo” đã. Gạo dùng để làm “Khao Chae” phải là loại gạo cũ, trong đó ưu tiên loại Gạo Lài nhờ kích cỡ hạt gạo vừa phải, không quá mềm mà cũng không quá cứng khi ngâm trong nước.

Còn “Nước ngâm hoa lài” thì người đầu bếp phải chuẩn bị trước đó nửa năm, và được làm từ “nước khoáng” ngâm trong “Lu rồng” nhiều tháng. Sau đó lấy phần nước lắng dưới đáy mang đi ủ khói nến thật kỹ. Loại nước này có thể tìm mua được ở chợ Bang Lam Phoo.

Làm món ăn kèm


"Cơm ngâm trong nước" Khao Chae được ăn kèm với cả món măn và món ngọt. Về món mặn, bao gồm: 

  • Mắm tôm viên: Đây là loại mắm tôm danh bất hư truyền đứng đầu trong các loại mắm tôm của Thái Lan.
  • Ớt ngọt độn nhân: Với nhân được làm từ tôm và thịt bằm. Khi nhai sẽ cho thực khách cảm giác giòn giòn của tôm và ớt ngọt. Ở ngoài ớt ngọt được bọc bởi lòng đỏ trứng vịt hoặc gà.
  • Cá trà sóc viên dẹp: Cá trà sóc được lấy từ Ayutthaya, nạo lấy phần thịt cá rồi vò thành viên dẹp, thêm bồng nga truật, rễ cây ngò, tỏi và đường thốt nột rồi mang đi chiên giòn lên.

Vậy là xong các món ăn mặn. Giờ là đến công đoạn chuẩn bị các món ngọt. Các món ngọt bao gồm:

  • Hành độn lòng cá chiên: Món này phải gọi là món ăn chuyển giao giữa món mặn và món ngọt thì đúng hơn. Với hương vị trung gian, không quá ngọt hay mặn, đây được xem là món chuyển giao trước khi chính thức chuyển sang các “món ngọt”.
  • Thịt heo sợi, Thịt bò sợi: Mang hai loại thịt sợi này đi xào với rễ ngò, tỏi và tiêu đến khi hoàn toàn khô, khi ăn cùng Khao Chae sẽ không có cảm giác béo và ngán.
  • Củ cải đường: Món ăn kèm này khá là đặc biệt, vì được làm bằng cách ngâm củ cải trắng trong giấm làm từ hoa dừa. Khi vừa tới thì mang đi xào với đường thốt nốt để tăng độ thơm ngon. Không những vậy trong quá trình xào còn cho thêm Muối mảnh để có hương vị không quá ngọt. Vị hơi mặn sẽ giúp giảm độ ngọt và bớt ngán.

Cách ăn món Khao Chae

Khi ăn thì nên ăn các món mặn, ngọt cùng với rau kèm như bồng nga truất, xoài chua, xoài keo, dưa leo và hành lá trước khi tráng miệng bằng món “Dưa hấu cá khô” vậy là xem như du khách đã hoàn thành bữa ăn Khao Chae một cách đúng điệu nhất.

Nhiều thực khách cho rằng ăn Khao Chae đúng là rắc rối phức tạp trong khi quy tắc ăn Khao Chae lại không hề phức tạp một chút nào. Chỉ cần bắt đầu từ “Món mặn” với thứ tự đầu tiên là “Mắm tôm viên” - “Cá trà sóc viên dẹp” và các món mặn khác có thể tráo đổi thứ tự trước sau. Lấy Món ăn kèm trước, sau đó lấy cơm sau rồi húp cùng với nước ngâm mát lạnh.

Và điều quan trọng nhất đó là không để món ăn kèm và cơm chung một bát. Vì mùi của món mặn sẽ lấn át đi mùi hoa và khói nến của cơm. Không những vậy còn khiến nước ngâm có mùi tanh, không còn hấp dẫn nữa. Và tốt nhất là nên dùng muỗng riêng khi múc món ăn kèm và cơm ngâm. Ngoài ra thì thứ tự trong việc ăn Khao Chae có thể thay đổi một chút tùy hứng như ăn món mặn trước, rồi chuyển sang món ngọt, sau đó lại chuyển về lại món mặn, hoặc nếu du khách ăn hết món mặn rồi mới chuyển sang món ngọt cũng không có gì là không được cả.

Thật là hấp dẫn và đáng thưởng thức phải không nào? Khao Chae với hương thơm thoang thoảng của hoa và nến, khi ăn vào vị ngọt thanh của hạt gạo được nấu vừa chín tới hòa với nước lành lạnh trong lành sẽ khiến du khách ngây ngất mãi không quên đấy. Nếu đến du lịch Thái Lan, du khách đừng bỏ qua món ăn hoàng cung thanh nhã này nhé!